Vui học học vui
Chọn trường, chọn ngành, chọn chính mình.
May 7, 2024
Chọn ngành học vui
Chào các bạn, mình đã quay lại đây. Rất xin lỗi các bạn vì sự vắng bóng này. Xuân đến, hè sang, nắng ấm, hoa nở, facebook của mình lại nhắc lại các memories của thời gian học A-levels năm đầu tiên. Những ngày tháng đó làm mình nhớ tới thời mới bắt đầu biết đến khái niệm Open days, rồi chọn ngành học, chọn trường học. Mình lúc đó kiểu vừa cảm thấy an tâm vì cuối cùng cũng đã quen với cuộc sống mới, nhưng cũng vừa mông lung vì chưa biết nên làm gì, vì thực sự tính mình vốn lười nhưng mình cũng tự ý thức được là không thể không lao động.
14 năm trôi qua, mình may mắn được trải nghiệm và được lắng nghe câu chuyện của nhiều người, để từ đó hiểu ra tầm quan trọng của việc chọn nghề. Mình hiểu rằng các bạn học sinh cấp 3 ở Việt Nam chưa có nhiều cơ hội để có hands-on experience trong các ngành nghề, dẫn tới việc bị thiếu hụt kiến thức khi chọn ngành học ở cấp độ cao hơn. Thông qua bài viết này, mình cố gắng truyền tải câu chuyện của mình và những người mình biết, hy vọng giúp các bạn học sinh đang phân vân có chiến thuật hợp lý để vui học đại học. Vì tính chất của dự án Khô Mực là giúp các bạn mở đường đi du học, nên bài viết của mình sẽ bao gồm cả việc chọn trường ở nước ngoài luôn nhé.
Đầu tiên, việc chọn ngành nên dựa trên các tiêu chí:
- Những thứ bạn thích làm.
- Những thứ bạn không thích làm
- Những thứ bạn giỏi. Có thể bạn không hoàn toàn thích những thứ bạn giỏi nhưng bạn cũng nên để ý đến chúng.
- Lối sống, sở thích, tình trạng sức khoẻ.
- Tham khảo thêm ý kiến của người lớn, bạn bè, anh chị xung quanh.
Ngoài ra các bạn nên tìm hiểu thêm trên mạng về các ngành bạn có hứng thú. Giờ đây các bạn có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho chatGPT.
Alternatively, bạn có thể tham khảo bài test này.
Ví dụ: Bạn Phúc. Khi bắt đầu học cấp 3, Phúc được gia đình gợi ý học Y Tế vì Phúc học chuyên Hoá. Ban đầu, bạn ấy cũng không thích lắm vì bạn ấy muốn học Kinh tế hơn. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu về ngành Kinh tế thì bạn ấy thấy nó quá rộng lớn, còn Y tế như gia đình mong muốn thì lại quá đặc thù. Cuối cùng, bạn ấy quyết định học Dược vì Dược là một phân ngành của Y Tế nhưng có liên quan đến Kinh tế. Bạn ấy đã tìm ra ngành này như sau:
- Tìm hiểu về tất cả các phân ngành của Y Tế
- Hỏi các anh/chị trong ngành Dược mà bạn ấy quen
- Hỏi trong nhóm Tuyển Sinh khối B (có trên Facebook/Youtube/Tiktok)
Tổng cộng thời gian để bạn Phúc tìm hiểu và quyết định là 2 năm, trước khi thi đại học.
Ví dụ thứ 2: Bản thân mình. Mình có thể làm toán nhưng mình không thích toán lý thuyết. Mình thích học cái gì mà thực hành được luôn. Mình hay để ý chi tiết. Mình cũng thích quản lý tiền. Vì vậy, mình chọn ngành học Kế Toán – Tài chính vì những lý do sau:
- Mình đi open days của LSE và Bath 1 năm trước khi chính thức apply, thấy các thầy cô bộ môn rất thân thiện, trẻ đẹp, lại còn không kén chọn đầu vào (không bắt phải học Toán ở A-levels). Mình thì có học cả toán nâng cao nhưng mình cũng không quá thích môn này nên mình hơi ngại khi nghĩ tới viễn cảnh phải làm toán cả cuộc đời.
- Sau đó mình về tìm hiểu thêm về ngành kế toán. Mình hỏi thêm những người thân trong gia đình đang làm ở ngân hàng. Chú mình đã nói một câu mà mình nhớ mãi “Tiền là máu của doanh nghiệp”, câu nói này khơi thông được ý hiểu đầu tiên của mình về ngành.
- Rồi mình tìm tài liệu ở wikipedia và các websites để đọc. Mỗi cuối tuần mình lại đọc một ít, trong tuần ngẫm nghĩ dần.
Sau khi đã chọn được ngành học mong muốn, việc tiếp theo là chọn đất nước bạn muốn đến. Việc này nên dựa vào các tiêu chí sau:
- Budget
- Lối sống. Mình rất sợ lạnh nên mình chỉ chọn các trường từ phía Trung – Nam nước Anh trở xuống. Mình cũng không chọn các nước Bắc Âu vì lạnh quá.
- Tham khảo trong các group facebook của hội sinh viên và đi các event tư vấn du học.
Có thể sau này các bạn sẽ muốn đổi ngành, nhưng ít nhất ở hiện tại, đó phải là một ngành khiến bạn có hứng thú muốn tìm hiểu sâu về nó. Mình có vẽ một cái bảng như sau để giúp các bạn viết xuống các lựa chọn. Khi viết ra thì các bạn sẽ nhìn được các suy nghĩ của mình rõ ràng và đưa ra quyết định tốt hơn.
Programme | Location | Cost | Financial Aid | Application Deadline | Application Requirements | What I like | What I don’t like |
---|---|---|---|---|---|---|---|
Nếu bạn muốn đi học vào tháng 9 năm 2025 thì bạn nên bắt đầu điền thông tin vào bảng này từ hè 2024. Lý do là vì bạn có thể sẽ phải thi IELTS/SAT/TOEFL…, nên nếu bạn biết yêu cần càng sớm thì thời gian chuẩn bị sẽ dài hơn.
Bạn nên viết xuống tất cả các programmes mà bạn đã tìm hiểu, kể cả các khoá học bạn không thích sau khi đã tìm hiểu về nó. Khi xem lại, bạn sẽ hiểu rõ hơn về sở thích của bạn. Số programmes thích cũng không cần quá dài, tầm 5-7 cái là đủ. Mình hiểu là bạn nộp càng nhiều thì xác suất trúng càng cao, tuy nhiên quỹ thời gian và công sức là có hạn, nếu bạn tập trung vào một vài programmes thực sự yêu thích và phù hợp, thì xác suất trúng của bạn cũng cao.
Bạn cũng không nhất thiết phải tìm một ngành mà bạn thích tất cả các mặt của nó. Bạn hãy viết xuống những điều bạn không thích, sau đó tự hỏi bản thân xem dù bạn không thích thì bạn có làm được những điều này hay không? Nếu không quá tồi tệ với bạn thì mình khuyên là bạn cũng nên cân nhắc.
Sau khi đã chọn được chương trình, bước tiếp theo là thực hiện requirements. Một vài mẹo cho việc chuẩn bị bộ hồ sơ như sau:
- Bạn apply đi học, nên muốn vào trường top thì điểm số của bạn cũng phải tốt một chút. Vì thế bạn nên tập trung học từ khi bắt đầu có ý định du học.
- Đọc requirements về các bài luận càng sớm càng tốt. Các bài luận nhìn thì đơn giản nhưng để viết được một bài luận mà thể hiện được mình phù hợp với programme đang apply thì tốn nhiều thời gian để brainstorm, viết và làm chỉn chu. Khi mình điền UCAS application để học đại học ở Anh, mình cần viết 1 personal statement nộp cho 5 programmes, và mình bắt đầu brainstorm từ giữa tháng 8 để nộp hồ sơ vào cuối tháng 11. Một bạn khác Khô Mực từng giúp hoàn thiện Statement of Purpose đã gửi bọn mình bài hoàn chỉnh từ cuối tháng 9 cho 1 programme có deadline ngày 30/11.
- Hãy nhất quán trong tất cả các bộ hồ sơ. Chỉ sử dụng 1 tên, 1 địa chỉ nhà và 1 địa chỉ email cho tất cả. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho bạn.
- Hãy đặt mục tiêu hoàn thành bộ hồ sơ ít nhất 1 tuần trước hạn chót. Bạn để tầm vài ngày rồi nhìn lại, có thể bạn sẽ phát hiện ra một số lỗi cần chỉnh sửa, hay có ý tưởng nào thú vị muốn bổ sung.
Đây đã là một bài post dài nên mình xin dừng tại đây. Chúc các bạn học sinh may mắn trong hành trình chọn lựa ngành học và trường đại học, và hy vọng rằng những chia sẻ này có ích cho các bạn.