What to prepare for your first interview?
Cần những gì để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đầu tiên?
By Trang Lê in interview self-confidence
June 3, 2024
Hai hôm trước, một đệ tử của mình, JG, vừa tốt nghiệp tiến sĩ xong, đang tìm việc, tâm sự là sao em thấy tự ti quá, báo cáo khoa học thì chỉ có 3 bài bèo nhèo1, kinh nghiệm cũng không mấy, mà nghiên cứu của em chắc cũng không liên quan lắm đến công việc, dự án mà họ muốn làm. Em rất ngại những câu “Tell me about yourself” hay là “What makes you uniquely fit for this job?” vì không biết nên trả lời thế nào. Bây giờ làm sao hả chị?
--------
Câu đầu tiên, “Tell me about yourself”, thực sự là quá mơ hồ. Câu thứ hai, “What makes you uniquely fit for this job?” thì specific hơn, nhưng vẫn khó vì thực tế kể cả người tuyển dụng cũng không biết chính xác là dự án của bạn sẽ là gì.
Theo mình thì xuyên suốt buổi phỏng vấn, bạn cần tập trung vào một vài điểm chính:
- 📚 Kiến thức, kĩ năng đã có
- 🐝 Thái độ ham tìm tòi, học hỏi
- 🍓 Dễ chịu, dễ làm việc với người khác
Và bạn có thể check all these bullet points bằng cách đi sâu vào một dự án mà bạn đã làm.
Đi sâu vào một dự án mà bạn đã làm
Thường những cái job listings họ cứ liệt kê đại ra một danh sách dài những kĩ năng liên quan (relavent skills) nhưng thực ra bạn chỉ cần có 1-2 kĩ năng chính là đủ. Khi công ty đã quyết định phỏng vấn bạn thì họ biết là bạn có khả năng làm công việc đó. Mục đích của buổi phỏng vấn thực chất là để họ xem xem thái độ, tính cách của bạn thế nào, bạn có hợp với công ty, team của họ hay không.
Đi sâu vào một dự án mà bạn đã làm ngoài việc showcase kĩ năng, kiến thức sẵn có còn là cơ hội để bạn toả sáng, thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết, giúp họ thấy bạn có thái độ ham học, ham tìm tòi, và có khả năng làm việc với người khác. Nếu công việc đòi hỏi bạn phải chuẩn bị một cái “job talk” thì việc này là hiển nhiên, nhưng kể cả khi với những câu hỏi chung chung thì mình thấy đưa về một tình huống, dự án cụ thể sẽ làm câu trả lời mình rành mạch thêm rất nhiều.
Nhưng bạn cũng phải chuẩn bị cho kĩ. Đọc lại bài báo cáo khoa học bạn viết 2 năm trước để nhớ lại xem là phương pháp bạn đã dùng là gì, kết quả ra sao. Trong một buổi phỏng vấn postdoc, một thầy hỏi mình phương pháp WGCNA mà mình dùng trong một nghiên cứu gần đây là của ai ấy nhỉ? Mấy giây đầu mình cũng hơi ngớ người nhưng sau bình tĩnh lại thì nhớ mang máng hình như là Langfelder với Horvath ở California. UCLA thì phải. May quá đúng. 😅
Apply thật nhiều chỗ
Chắc chắn bạn sẽ rớt buổi phỏng vấn đầu tiên. Và thật sự là mình hi vọng bạn rớt. Những bài học từ những lần rớt sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, và biết cách chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn sau.
Quá trình làm tiến sĩ làm cho mình ngộ ra rằng kể cả những người tài năng cực kì2, khi nộp báo cáo khoa học vẫn bị từ chối đầy. Nhưng cứ nộp tiếp thôi. Vậy nên bạn cố gắng cứ apply thật nhiều chỗ. Mà khi bạn đã mất công bỏ 8 tiếng ra chuẩn bị một bộ hồ sơ rồi thì ráng bỏ thêm 1 tiếng nữa để nộp cho 10 chỗ khác cũng đâu đến nỗi nhỉ3 .
Công việc đầu tiên sẽ không phải là công việc cuối cùng của bạn. I hope you fail your first interview but land your last one!
Practice, practice, and practice
Thời đại chatGPT này bạn cứ thế mà upload CV của bạn với lại job descriptions để nó cho bạn một cái mock interview thôi.
Thế với các cuộc phỏng vấn học bổng, college admission, graduate admission thì thế nào?
Bạn vẫn có thể áp dụng những tips ở trên, và nếu bạn nail được cuộc phỏng vấn bằng một điểm gây ấn tượng nữa thì tuyệt vời. Điểm gây ấn tượng này có thể liên quan hoặc không liên quan đến công việc chính của bạn.
Nam em mình, lúc phỏng vấn vào VinUni, mấy thầy hỏi trong CV em bảo em thích ảo thuật, vậy em làm ảo thuật cho chúng tôi xem được không. Nam không ngờ mấy thầy lại hỏi đến ảo thuật nên cũng đâu chuẩn bị gì, không mang bài bạc hay đồ ảo thuật gì hết. Thế là hắn đang cầm cây bút chì, trong một giây, hít hết cả cây bút chì vào mũi. Các thầy hết hồn, thế là được luôn học bổng 100%.
Bạn không cần phải biết ảo thuật, nhưng có một cái gì đó set you aside thì sẽ giúp bạn nổi bật hơn. Ví dụ, mình có thể nói về cái blog Khô Mực này, hay là cái software AskAlex, hay là lúc mình optimize code của đồng nghiệp để nó chạy trong 2h thay vì 2 tuần. Mình tin là bạn có một cái gì đó của riêng bạn mà người phỏng vấn sẽ ngạc nhiên khi biết đến.
Tóm lại
Thay vì lo lắng về những gì mình chưa có, hãy tự tin thể hiện những gì bạn có và sẵn sàng học hỏi.